KEY TĂNG TRƯỞNG 07 - CASA: Chén Thánh" Của Ngân Hàng Trong Bối Cảnh Khó Khăn
Trong thế giới tài chính ngân hàng, bên cạnh các chỉ số quen thuộc như NIM (Net Interest Margin) hay ROE (Return on Equity), CASA (Current Account Savings Account) nổi lên như một "chén thánh" thầm lặng, định hình sức khỏe và khả năng sinh lời của các tổ chức tín dụng. Việc hiểu rõ CASA không chỉ giúp chúng ta đánh giá đúng năng lực cạnh tranh của một ngân hàng mà còn cung cấp góc nhìn về tiềm năng tăng trưởng giá cổ phiếu khi môi trường lãi suất biến động.
1. Khái niệm CASA
CASA là viết tắt của Current Account Savings Account, hay trong tiếng Việt là Tiền gửi không kỳ hạn và Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Đây là tổng số dư tiền gửi của khách hàng (cá nhân và tổ chức) trong tài khoản thanh toán (Current Account) và tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn (Savings Account) tại ngân hàng.
Ý nghĩa đối với ngân hàng:
Chi phí vốn thấp nhất: Đây là ưu điểm nổi bật nhất của CASA. Tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn thường ngân hàng sẽ trả lãi suất rất thấp, thậm chí bằng 0%. Điều này giúp ngân hàng giảm đáng kể chi phí huy động vốn so với tiền gửi có kỳ hạn.
=> Chi phí vốn thấp trực tiếp cải thiện biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng, từ đó nâng cao lợi nhuận.
Nguồn vốn ổn định và linh hoạt: Mặc dù là tiền gửi không kỳ hạn, dòng tiền CASA thường khá ổn định nếu ngân hàng có mạng lưới khách hàng rộng lớn và dịch vụ tốt. Khách hàng thường giữ tiền trong tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch hàng ngày, tạo ra một nguồn vốn dồi dào, linh hoạt để ngân hàng cho vay hoặc đầu tư.
Chỉ số của sức khỏe thương hiệu và dịch vụ: Tỷ lệ CASA cao thường cho thấy ngân hàng có tệp khách hàng trung thành, sử dụng nhiều sản phẩm và dịch vụ khác của ngân hàng như thanh toán, chuyển khoản, ví điện tử...
2. Cách tìm và xác định CASA trong Báo cáo tài chính
Để tìm và xác định CASA trong báo cáo tài chính của một ngân hàng, bạn cần tìm đến phần "Thuyết minh Báo cáo tài chính", cụ thể là trong phần chi tiết về "Tiền gửi của khách hàng" hoặc "Nguồn vốn huy động".
Có 2 dạng ngân hàng công bố tỷ lệ CASA trong phần thuyết minh báo cáo tài chính:
Dạng 1: Ngân hàng tách bạch “Tiền gửi không kỳ hạn” và “Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn” ra 2 phần riêng trong mục “Tiền gửi khách hàng”.
Dạng 2: Ngân hàng gộp chung các khoảng tiền không kỳ hạn vào “Tiền gửi không kỳ hạn” trong mục “Tiền gửi khách hàng”.
Công thức tính Tỷ lệ CASA:
Ví dụ:
Giả sử chúng ta xem xét Báo cáo tài chính Quý 4/2024 của Ngân hàng XYZ:
Trong phần "Thuyết minh Báo cáo tài chính - Tiền gửi của khách hàng", chúng ta tìm thấy các thông tin sau:
Tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn): 80.000 tỷ đồng
Tiền gửi có kỳ hạn: 220.000 tỷ đồng
Tổng tiền gửi của khách hàng: 300.000 tỷ đồng (80.000 + 220.000)
Áp dụng công thức:
Con số này cho biết, trong 100 đồng tiền gửi của ngân hàng XYZ thì có 26.67 đồng là đến từ các nguồn có chi phí vốn thấp. Khi so sánh với các ngân hàng khác, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về năng lực cạnh tranh về huy động vốn của Ngân hàng XYZ.
3. Ứng dụng CASA vào đầu tư ngành ngân hàng
CASA là chỉ số sẽ phát huy tác dụng cao nhất trong môi trường lãi suất biến động.
Lãi suất biến động: Khi kinh tế vĩ mô có biến động, NHNN có xu hướng tăng lãi suất điều hành để kiểm soát mức độ ảnh hưởng của tỷ giá và lạm phát, các Ngân hàng thương mại (NHTM) cũng sẽ phải tăng lãi suất huy động để hút tiền về hệ thống, lúc này chi phí huy động của ngân hàng sẽ tăng, nếu như giai đoạn đó là giai đoạn kinh tế đang trong pha phục hồi thì lãi suất cho vay có thể sẽ phải giữ nguyên hoặc thậm chí tiếp tục giảm để NHTM tiếp tục thu hút khách hàng và hỗ trợ cho vay. Như vậy thì Biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng sẽ bị thu hẹp, lúc này các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất sẽ là những ý tưởng đầu tư tuyệt vời vì họ có một lượng vốn chi phí thấp dồi dào để đảm bảo được lợi nhuận đầu ra trong bối cảnh này.
Ví dụ điển hình: Techcombank (Mã: TCB)
Giai đoạn 2023-2024, NHNN đã có những động thái giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế, kéo theo đó là mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm hoặc duy trì ở mức thấp để kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãi suất huy động (đặc biệt là kỳ hạn dài) lại có xu hướng nhích nhẹ lên vào một số thời điểm trong năm 2024 do áp lực tỷ giá.
Trong bối cảnh "kéo co" này, các ngân hàng phải đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì biên lãi thuần (NIM) – chỉ số quan trọng nhất phản ánh khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng. Khi lãi suất cho vay giảm và lãi suất huy động tăng, NIM của ngân hàng sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Trong giai đoạn này, Techcombank tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về tỷ lệ CASA trong ngành.
Tỷ lệ CASA cao: Techcombank duy trì tỷ lệ CASA ở mức rất cao, thường xuyên trên 37-40% (ví dụ: Quý 1/2024 đạt 40.5%, cuối năm 2024 đạt 40.9%). Đây là mức cao nhất nhì toàn ngành.
Chi phí vốn thấp kỷ lục: Nhờ tỷ lệ CASA cao, Techcombank có được một nguồn vốn dồi dào với chi phí cực thấp (lãi suất gần 0% cho tài khoản thanh toán).
Đệm đỡ cho NIM: Trong khi các ngân hàng khác phải cạnh tranh gay gắt để huy động vốn kỳ hạn với lãi suất cao hơn, làm tăng chi phí vốn và gây áp lực lên NIM, TCB với lợi thế CASA đã giảm thiểu được tác động này. Mặc dù NIM toàn ngành có xu hướng giảm, TCB vẫn có thể duy trì biên lợi nhuận ở mức tương đối tốt so với các đối thủ, nhờ vào cấu trúc nguồn vốn tối ưu.
Diễn biến giá cổ phiếu: Từ mức giá khoảng 16.000 VNĐ/cổ phiếu vào cuối năm 2023, cổ phiếu TCB đã có thời điểm tăng gần gấp đôi, đạt trên 24.000 VNĐ/cổ phiếu (tính đến tháng 12/2024). Trong khi các ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp hơn (Dưới 10%) trong giai đoạn 2024 đã có diễn biến giá kém hơn, NAB tăng từ mức 12,000 VNĐ/cổ phiếu lên khoảng 16,000 VNĐ, còn SHB có diễn biến đi ngang trong suốt cả năm.
=> Điều này đã cho thấy sức mạnh nội tại của TCB trong một giai đoạn kinh tế vĩ mô nhiều thách thức, nơi CASA đóng vai trò then chốt là điểm đến trong đầu tư.
Kết luận:
Đối với nhà đầu tư, việc theo dõi và đánh giá tỷ lệ CASA, cũng như xu hướng tăng trưởng của nó, là một bước quan trọng để nhận diện các ngân hàng có sức khỏe tài chính vững vàng, tiềm năng sinh lời trong môi trường lãi suất điều hành biến động do yếu tố tỷ giá và lạm phát, bởi vì nếu không lãi suất không thay đổi để thích ứng với tác động tỷ giá và lạm phát thì sẽ khiến cho dòng vốn FDI - Foreign Direct Investment rút ra khỏi nền kinh tế Việt Nam.
Vậy FDI có phải là một Key Tăng Trưởng tiếp theo không?
Key Tăng Trưởng 08 - Key Tăng Trưởng 08 - FDI và Khu Công Nghiệp