KEY TĂNG TRƯỞNG 06 - NIM - Net Interest Margin
Trong việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng, một trong những chỉ số quan trọng mà nhà đầu tư và các nhà phân tích thường xuyên theo dõi để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính là NIM – Net Interest Margin (Biên lãi ròng).
1. Khái niệm NIM và ý nghĩa đối với ngân hàng
NIM (Net Interest Margin) - Biên lãi ròng, là thước đo sự chênh lệch giữa tổng lãi suất mà ngân hàng thu được từ các khoản cho vay, các tài sản sinh lãi khác (như đầu tư chứng khoán, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác) so với lãi suất mà ngân hàng phải trả cho các nguồn vốn huy động được. Nói cách khác, NIM cho biết mỗi đồng vốn mà ngân hàng huy động được, sau khi mang đi cho vay và trừ đi chi phí huy động, ngân hàng thu về được bao nhiêu lợi nhuận.
Ý nghĩa của NIM đối với một ngân hàng:
Đo lường hiệu quả hoạt động: NIM là chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng – hoạt động cho vay. NIM cao cho thấy ngân hàng đang quản lý tốt chi phí huy động vốn và khả năng cho vay với lãi suất hấp dẫn, từ đó tạo ra lợi nhuận cao hơn.
Đánh giá rủi ro lãi suất: NIM cũng phản ánh khả năng quản lý rủi ro lãi suất của ngân hàng. Một ngân hàng có NIM ổn định trong bối cảnh lãi suất biến động.
Ví như trường hợp lãi suất huy động tăng và lãi suất cho vay lại giảm, lúc này đa số ngân hàng sẽ có NIM thu hẹp, khiến lợi nhuận giảm, nếu ngân hàng nào giữ được NIM ổn định sẽ cho thấy họ có chiến lược quản lý nguồn vốn đầu vào hiệu quả trong môi trường lãi suất biến động.
Tác động đến giá cổ phiếu: NIM cao và ổn định thường là tín hiệu tích cực thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường lãi suất biến động, bởi nó thể hiện tiềm năng sinh lời và triển vọng kinh doanh tốt của ngân hàng.
2. Cách tính NIM của một ngân hàng
Công thức tính NIM:
Trong đó:
Tổng thu nhập lãi: Là tổng số tiền lãi mà ngân hàng thu được từ các hoạt động cho vay, đầu tư chứng khoán, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác, v.v.
Tổng chi phí lãi: Là tổng số tiền lãi mà ngân hàng phải trả cho các khoản tiền gửi của khách hàng, các khoản vay liên ngân hàng, các khoản huy động vốn khác, v.v.
Tài sản sinh lãi bình quân: Là tổng giá trị trung bình đầu kỳ và cuối kỳ của các tài sản mà ngân hàng đang sử dụng để tạo ra thu nhập lãi.
Ví dụ minh họa:
Giả sử Ngân hàng ABC có các số liệu sau trong một quý:
Tổng thu nhập lãi: 10.000 tỷ VNĐ
Tổng chi phí lãi: 5.000 tỷ VNĐ
Tài sản sinh lãi bình quân: 500.000 tỷ VNĐ
Áp dụng công thức, NIM của Ngân hàng ABC sẽ là:
Điều này có nghĩa là, với mỗi 100 đồng tài sản sinh lãi, Ngân hàng ABC tạo ra được 1 đồng lợi nhuận ròng.
Hình ảnh trích từ báo cáo tài chính ngân hàng:
3. Yếu tố tác động đến NIM của ngân hàng
NIM của ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi cả yếu tố vĩ mô và vi mô:
Chính sách tiền tệ: Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là yếu tố không chỉ tác động vào “Tăng Trưởng Tín Dụng” mà còn tác động vào NIM của Ngân hàng. Khi NHNN tăng lãi suất, chi phí huy động vốn của ngân hàng có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay có thể không tăng kịp hoặc tăng ít hơn, bởi vì nếu tăng lãi suất cho vay sẽ khiến chi phí sản xuất doanh nghiệp tăng hoặc làm giảm nhu cầu vay, gây áp lực lên NIM.
Ngược lại, khi NHNN giảm lãi suất, chi phí huy động giảm, tạo điều kiện cho NIM cải thiện.
Cạnh tranh trong ngành: Sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong việc thu hút tiền gửi và cho vay có thể đẩy chi phí huy động lên hoặc kéo lãi suất cho vay xuống, làm giảm NIM.
Cấu trúc huy động vốn: Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA (Current Account Savings Account - tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán) cao sẽ có chi phí huy động vốn thấp, từ đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh về NIM.
Chất lượng tài sản và quản lý rủi ro: Nợ xấu tăng lên sẽ làm giảm thu nhập lãi và buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và NIM. Ngân hàng nào quản lý rủi ro tốt, kiểm soát nợ xấu hiệu quả sẽ duy trì được NIM ổn định.
4. Ví dụ về yếu tố tác động vào NIM và khiến cổ phiếu ngân hàng giảm giá
Ví dụ: Giai đoạn thắt chặt tiền tệ 2011-2012
Vào giai đoạn 2011-2012, Việt Nam đối mặt với lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô. NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, liên tục tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Lãi suất huy động tăng vọt, có thời điểm lên tới 14-15%/năm.
Tác động đến NIM: Chi phí huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh, trong khi khả năng tăng lãi suất cho vay để bù đắp lại bị hạn chế do sức ép từ nền kinh tế khó khăn và nợ xấu gia tăng. Điều này khiến NIM của nhiều ngân hàng bị thu hẹp đáng kể. Lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm, thậm chí có ngân hàng báo lỗ.
Tác động đến giá cổ phiếu: Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng giảm sâu, có ngân hàng giảm tới 50-70% so với đỉnh, bởi lo ngại về khả năng sinh lời, nợ xấu và rủi ro thanh khoản.
5. Khi nào nên sử dụng NIM để lựa chọn cổ phiếu Ngân hàng?
NIM là một chỉ số quan trọng, nhưng không phải là duy nhất. Nhà đầu tư nên sử dụng NIM kết hợp với các chỉ số khác dựa trên bối cảnh thị trường thời điểm đó để đưa ra quyết định đầu tư:
Khi so sánh các ngân hàng trong ngành: So sánh NIM giữa các ngân hàng có cùng quy mô và phân khúc khách hàng giúp nhà đầu tư nhận diện ngân hàng nào có lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn hoặc khả năng cho vay tốt hơn.
Khi có biến động lãi suất: Trong giai đoạn NHNN thay đổi chính sách lãi suất, việc theo dõi NIM là cực kỳ quan trọng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của chính sách này đến từng ngân hàng. Ngân hàng nào có sự điều chỉnh kịp thời cơ cấu tài sản và nguồn vốn để duy trì NIM giữ nguyên sẽ được đánh giá cao và thu hút dòng tiền.
Lưu ý: NIM cao không phải lúc nào cũng tốt tuyệt đối, đôi khi một ngân hàng có NIM cao có thể do họ tập trung vào các phân khúc khách hàng rủi ro cao hơn hoặc có mức độ rủi ro tín dụng tiềm ẩn. Do đó, cần xem xét kỹ cấu trúc danh mục tín dụng và chất lượng tài sản đi kèm.
Tóm lại, khi hiểu rõ về NIM, cách tính, các yếu tố tác động và thời điểm sử dụng sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra những ý tưởng khi lựa chọn "viên ngọc" trong ngành ngân hàng. Nhưng nếu như rơi vào bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô, ngành ngân hàng sẽ phải thay đổi lãi suất để thích ứng, việc duy trì NIM sẽ cần phải được hỗ trợ bởi dòng vốn rẻ, đó gọi là “CASA”. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về “CASA và cách ứng dụng của nó trong đầu tư”.
Tiếp theo: Key Tăng Trưởng 07 - Key Tăng Trưởng 07 - CASA của Ngân Hàng