KEY TĂNG TRƯỞNG 02 - Sự Mở Rộng Quy Mô - Chìa Khóa Tăng Trưởng Cho Doanh Nghiệp
Một trong những "key" quan trọng và thường được nhắc đến chính là "Sự mở rộng quy mô". Khi một doanh nghiệp thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động, nghĩa là họ củng cố vị thế trên thị trường..
1. Khái niệm
"Sự mở rộng quy mô" (Scaling Up hay Expansion) là quá trình gia tăng thị phần hoạt động của một công ty. Đây không chỉ đơn thuần là việc tăng số lượng sản phẩm bán ra hay mở thêm vài chi nhánh nhỏ lẻ, mà là chiến lược để vị thế doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội.
Các hình thức mở rộng quy mô có thể rất đa dạng:
+ Mở rộng địa lý: Mở thêm chi nhánh, cửa hàng, nhà máy ở các khu vực, tỉnh thành, hoặc quốc gia mới. Mục tiêu là tiếp cận thêm tệp khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường.
+ Mở rộng năng lực sản xuất: Đầu tư vào máy móc, công nghệ mới, xây dựng thêm nhà máy để tăng sản lượng đầu ra, đáp ứng nhu cầu thị trường hoặc chuẩn bị cho các đơn hàng quy mô lớn trong tương lai.
+ Mở rộng danh mục sản phẩm: Đa dạng hóa sản phẩm cốt lõi hoặc phát triển các sản phẩm mới để mổ rộng nhiều phân khúc khách hàng hơn
+ Mở rộng kênh phân phối: Xây dựng thêm các kênh bán hàng mới (ví dụ: từ bán hàng truyền thống sang online, từ bán sỉ sang bán lẻ, hoặc phát triển hệ thống đại lý).
+ Thâu tóm và sáp nhập (M&A): Mua lại hoặc sáp nhập với các doanh nghiệp khác để mở rộng thị phần, năng lực sản xuất hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
2. Ví dụ áp dụng thực tiễn với doanh nghiệp niêm yết
Ví dụ 1: Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - Mở rộng năng lực sản xuất thép Hòa Phát
Trong giai đoạn 2017-2021, HPG đã đầu tư và đưa vào hoạt động Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đây là một dự án quy mô lớn, giúp tăng đáng kể năng lực sản xuất thép thô của tập đoàn.
Trước khi Dung Quất đi vào hoạt động ổn định (2017-2018), doanh thu và lợi nhuận của HPG tuy vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường và năng lực sản xuất hiện có. Năm 2017, doanh thu HPG đạt khoảng 46.855 tỷ VND, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 8.015 tỷ VND. Từ 2020-2021, khi Dung Quất đi vào hoạt động, năng lực sản xuất của HPG đã tăng mạnh, giúp HPG tận dụng tốt nhu cầu thép tăng cao trong giai đoạn này. Năm 2020, doanh thu HPG đạt 91.279 tỷ VND, LNST đạt 13.506 tỷ VND. Đến năm 2021, doanh thu HPG đạt đỉnh 150.867 tỷ VND, LNST đạt 34.521 tỷ VND.
Trước khi dự án Dung Quất hoàn thành, ngay từ khi có thông tin về việc xây dựng Khu liên hợp Dung Quất, thị trường đã bắt đầu đặt kỳ vọng lớn vào tương lai của HPG, sự kỳ vọng này đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Sau đó, sự xác nhận khi doanh nghiệp đưa vào hoạt động dự án mới là mục “Tài Sản Cố Định” tăng lên trong thời điểm công bố báo cáo tài chính quý gần nhất, giá cổ phiếu đã có đợt tăng mạnh liên tục lên mức 40,000đ/cp.
Ví dụ 2: Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) - Mở rộng Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh
Giai đoạn trước khi Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh trở thành trụ cột (2014-2015), doanh thu và lợi nhuận của MWG chủ yếu đến từ chuỗi Thế Giới Di Động, tốc độ tăng trưởng tốt nhưng quy mô còn hạn chế.
Đến năm 2016 - 2020, MWG mở rộng hàng trăm cửa hàng Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh trên toàn quốc. Việc này giúp MWG chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng ở cả mảng điện máy và đặc biệt là thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh. Năm 2016, doanh thu MWG đạt 44.600 tỷ VND, LNST đạt 1.577 tỷ VND. Năm 2018, doanh thu đạt 86.290 tỷ VND, LNST đạt 2.879 tỷ VND. Năm 2020, doanh thu đạt 108.546 tỷ VND, LNST đạt 3.920 tỷ VND.
Sự mở rộng quy mô sẽ có hai giai đoạn tác động đến giá cổ phiếu:
+ Giai đoạn kỳ vọng: Khi doanh nghiệp công bố kế hoạch mở rộng, thị trường bắt đầu định giá tiềm năng tăng trưởng tương lai, đẩy giá cổ phiếu lên.
+ Giai đoạn hiện thực hóa: Khi kết quả kinh doanh thực tế (doanh thu, lợi nhuận) từ việc mở rộng quy mô trở nên rõ ràng và vượt trội, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, thúc đẩy giá cổ phiếu tiếp tục tăng trưởng.
3. 05 Lưu ý với việc mở rộng quy mô nhưng không mang lại hiệu quả
Mặc dù "Mở rộng quy mô" là một Key Tăng Trưởng, nhưng nó không phải lúc nào cũng là con đường trải hoa hồng. Có những trường hợp việc mở rộng quy mô không mang lại hiệu quả mong muốn, thậm chí còn gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp và cổ đông.
Những lưu ý quan trọng bao gồm:
(1) Thiếu sự chuẩn bị: Mở rộng mà không có chiến lược rõ ràng, không đánh giá đúng thị trường, năng lực quản trị, tài chính và nguồn nhân lực.
(2) Quản lý yếu kém: Việc mở rộng quy mô đòi hỏi năng lực quản lý vượt trội để kiểm soát các hoạt động phức tạp hơn, từ chuỗi cung ứng, vận hành, đến quản lý nhân sự. Nếu năng lực quản lý không theo kịp, hệ thống có thể bị quá tải, kém hiệu quả.
(3) Gánh nặng Nợ vay: Để mở rộng quy mô, nhiều doanh nghiệp phải vay nợ lớn. Nếu dòng tiền tạo ra từ hoạt động mở rộng không đủ để trả nợ hoặc lãi suất tăng cao, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro tài chính nghiêm trọng.
(4) Mất kiểm soát chất lượng: Khi mở rộng quá nhanh, doanh nghiệp có thể khó duy trì chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ ở mức cao, dẫn đến mất uy tín và khách hàng.
(5) Thị trường không đủ lớn hoặc cạnh tranh gay gắt: Đôi khi, việc mở rộng vào một thị trường không đủ tiềm năng hoặc đã quá bão hòa có thể dẫn đến việc đốt tiền mà không thu lại được hiệu quả.
Ví dụ: Khoảng 2008-2015, công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) không chỉ tập trung vào bất động sản (mảng cốt lõi ban đầu) mà còn mở rộng sang rất nhiều lĩnh vực khác như cao su, cọ dầu, mía đường, chăn nuôi bò, thủy điện, khai khoáng... ở cả Việt Nam và các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Đây là một chiến lược mở rộng quy mô theo chiều rộng với tốc độ quá nhanh.
Hệ quả: Việc mở rộng dàn trải, đầu tư vào nhiều lĩnh vực không phải thế mạnh cốt lõi và đòi hỏi vốn lớn đã khiến HAG rơi vào tình trạng nợ chồng chất. Khi giá cả các mặt hàng nông sản (cao su, cọ dầu) lao dốc, HAG gặp khó khăn trong việc tạo ra dòng tiền để trả nợ và duy trì hoạt động. Các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí còn thua lỗ, bào mòn lợi nhuận và tài sản của công ty.
Tác động đến giá cổ phiếu: Từ một trong những cổ phiếu "blue-chip" được yêu thích, giá cổ phiếu HAG đã giảm sâu và liên tục trong nhiều năm, phản ánh sự lo ngại của thị trường về gánh nặng nợ, hiệu quả kinh doanh kém và những khoản đầu tư không hiệu quả. Công ty phải trải qua quá trình tái cấu trúc nợ và hoạt động vô cùng gian nan, bán bớt tài sản để tồn tại.
Kết luận:
Sự Mở Rộng Quy Mô là yếu tố quan trọng không những giúp nhận diện doanh nghiệp đó có sự phát triển trong tương lai mà còn giúp cho nhà đầu tư nhận diện được sự phát triển song song của một ngành nghề khác là ngành Xây dựng, nó sẽ liên quan đến “Giá trị Backlog” của ngành này.
Vậy trong Key Tăng Trưởng tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về “Giá trị Backlog của ngành Xây Dựng”.
Key Tăng Trưởng 03 - Key Tăng Trưởng 03 - Giá Trị Backlog và Ngành Xây Dựng